Vì Sao Cơn Đau Ở Vị Trí Này Nhưng Nguyên Nhân Lại Có Thể Nằm Ở Vị Trí Khác Trong Cơ Thể?

Trong bất kỳ buổi trị liệu nào điều tôi quan tâm là vì sao cơn đau hình thành tại vị trí đó? Có điều gì đã và đang được “vận hành” một cách bất thường ở vị trí đó? Hay nó chỉ là kết quả của kiểu “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”?

Những hỏi này rất quan trọng. Vì sao?

Bởi vì cơ thể con người được thiết kế vô cùng phức tạp nhưng cũng rất diệu kỳ. Mỗi cơ thể khác nhau sẽ có một “chương trình vận hành” chuyển động khác nhau. Không ai giống ai. Cùng 1 triệu chứng đau nghe có vẻ giống nhau nhưng bên trong mỗi cơ thể đã “vận hành” và “phản ứng” khác nhau cho cơn đau đó. Lấy hình ảnh trong clip này là 1 ví dụ để bạn dễ tưởng tượng.

Đây là hình ảnh 3D mô phỏng Đường Xoắn Ốc (The Spiral Line – SPL) – một trong những đường liên kết trong giải phẫu chức năng của cơ thể – mô tả vị trí các nhóm cơ được sắp xếp và hoạt động trong cơ thể theo đường vòng xoắn ốc kép. Bắt đầu là các nhóm cơ gối đầu và cơ gối cổ (Splenius capitis & cervicis) từ mỗi bên của hộp sọ chúng đi qua lưng trên ở cơ trám (Rhomboid) đến vai đối diện và bao quanh xương sườn với cơ răng cưa trên và cơ chéo bụng ngoài (Serratus anterior và External Oblique) vượt qua phần bụng đối diện để gặp cơ chéo bụng trong (Internal Oblique) và đi đến hông. Từ hông đường xoắn ốc tiếp tục đi qua cơ Căng mạc đùi (Tensor fascia latae) và dải chậu chày (IT band) rồi đến cơ chày trước (Tibialis anterior), qua lòng bàn chân chạy lên cơ mác dài (Peroneus Longus) đến cơ nhị đầu đùi (Biceps femoris), vượt qua dây chằng Sacrotuberous và từ đó qua các nhóm cơ dựng cột sống và kết thúc ở hộp sọ đối diện nơi chúng bắt đầu.

Đường Xoắn Ốc này có nhiệm vụ ổn định cơ thể trong tất cả các mặt phẳng chuyển động thông qua vòng lặp kép của nó (2 bên trái, phải). Nó kết nối bàn chân với xương chậu và có nhiệm vụ quan trọng trong việc điều chỉnh vị trí của đầu gối khi chúng ta bước đi. Tom Myers – Tác giả của cuốn sách Anatomy Trains – cho rằng “toàn bộ cơ thể con người được xem như 1 đoàn tàu, là một chỉnh thể hoàn chỉnh, mọi vận động đều đồng bộ và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau”. Do đó, khi có bất kỳ “toa tàu” nào hoạt động không đúng chức năng đều sẽ gây ra ảnh hưởng (ở đây có thể là vị trí khớp hoặc cơn đau… ) đến chính nó hoặc một hoặc nhiều “toa tàu” còn lại. Có thể là toa gần nó nhất hoặc xa nó nhất tùy thuộc vào đặc điểm cấu trúc của mỗi cơ thể. Ví dụ như cô gái khách hàng mà tôi đã từng nhắc đến trong bài viết trước rằng cô ấy luôn cảm thấy căng ở vùng cổ bên phải và gan bàn chân bên trái cùng cảm giác mất thăng bằng lực 2 chân. Khi kiểm tra thì tôi tìm thấy rằng cơ Oblique Capitis Inferior (OCI) bên phải làm việc quá ngưỡng và cơ gập dài ngón chân cái bên trái hoạt động dưới ngưỡng. Chỉ cần giải phóng cơ OCI thì cảm giác bàn chân nhẹ hơn và thăng bằng hơn.

Do đó, việc xác định hoặc giới hạn khu vực nguyên nhân tạo nên cơn đau là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong quy trình trị liệu hay phục hồi. Bước này thường mất thời gian nhưng xứng đáng vì nó giúp cho kế hoạch trị liệu/ phục hồi sau đó trở nên dễ dàng hơn.

viVI