Lịch sử hoạt động quan trọng như thế nào trong các phiên trị liệu?

Như chúng ta đã biết việc biết về tất cả các yếu tố liên quan đến lịch sử hoạt động của khách hàng cũng như tình hình hiện tại giúp những người làm trị liệu (therapists) biết và hiểu khách hàng của mình hơn, từ đó đưa ra các hoạt động trị liệu hiệu quả. Việc thiếu thông tin hoặc bỏ lỡ thông tin sẽ khiến việc trị liệu của bạn có thể đi sai hướng. Hôm nay, tôi đã có trải nghiệm về việc này.

Khách hàng của tôi nhắn tin nói rằng hông bên phải của cô ấy rất đau và không thể tiếp tục thực hiện các bài tập mà tôi đã giao cho cô ấy. Cô ấy không thể đi bình thường, không thể nằm nghiêng 1 bên và thậm chí thỉnh thoảng cảm thấy cơn đau bên hông trái. Dường như cơn đau xuất hiện rất lạ kỳ. Hôm nay, cô ấy đến để kiểm tra. Khi vừa đến, tôi đã có thể thấy dáng đi không bình thường và hông bên phải dường như khóa lại khi cô ấy bước đi. Sờ nắn các khu vực có cơn đau thì bất kỳ lúc nào đưa tay chạm vào khu vực cơ Căng mạc đùi, mông lớn, mông nhỡ, ITband, cơ may thì cơn đau đều xuất hiện và dữ dội. Dùng lực nhẹ để sờ nắn thì có thể cảm thấy toàn bộ nhóm cơ này đang “gồng” chặt lại. Tôi đã hỏi lại rất nhiều câu hỏi liên quan đến các cơn đau này nhưng đều là thông tin mình đã biết. Tôi quyết định không xử lý khu vực này mà sẽ để nó nghỉ ngơi trong vài ngày và di chuyển đến kiểm tra vùng thắt lưng.

Cơ vuông lưng cả 2 bên đều bị “tắt nguồn” một cách lạ kỳ vì phiên trị liệu trước đó 2 cơ này đều đã được kích hoạt và làm mạnh. tôi đã hỏi khách 1 lần nữa là đã có bất kỳ sự va chạm nào hoặc hoạt động nào bất thường xảy ra trong tuần rồi hay không thì câu trả lời là không. Quay về lịch sử phiên trị liệu trước đó, cơ vuông lưng bị ức chế yếu do cơ cắn (masseter) bị làm việc quá ngưỡng (overactive). Tôi kiểm tra lại thì đúng là vậy. Mỗi khi kích thích cơ cắn, cơ vuông lưng cùng bên sẽ bị khóa lại. Quyết định giải phóng cơ cắn và kích hoạt cơ vuông lưng cùng bên.


Ngay khi chuẩn bị giải phóng cơ cắn bằng tay thì khách hàng chợt nhớ ra 1 sự kiện đã diễn ra 2 tuần trước. Khi cô ấy ở Côn Đảo có 1 mình đi ca nô ra biển để ngắm san hô. Nhưng khi ra tới nơi và nhảy xuống khỏi ca nô để ngắm san hô thì cô ấy bị hoảng sợ vì không biết bơi. Cô ấy đã cố gắng trèo lên ca nô trở lại nhưng không được vì không có người xung quanh hỗ trợ. Trong quá trình vật lộn để lên lại ca nô cô ấy đã dùng chân phải rất nhiều để với lên và đã có sự va chạm nhẹ với 1 tảng đá gần đó. Nghe tới đây tôi đã hiểu ngay lập tức vì sao cơ vuông lưng bị “tắt nguồn” một cách kỳ lạ và hông, đùi bên phải cô ấy đau dữ dội như vậy. Hơn nữa, do sau đó cô ấy đã không chia sẻ nên sau phiên trị liệu tuần trước tôi đã đưa các bài tập kích hoạt nhóm cơ làm việc dưới ngưỡng gồm cơ mông nhỡ và lớn, cơ may, cơ thẳng đùi của bên phải. Việc này làm cho cơn đau trở nên tệ như hôm nay.

Tới đây, tôi tin rằng cơ cắn đang có mối liên hệ mật thiết với cơ vuông và các cơn đau ở hông và đùi phải. Giải phóng cơ cắn bằng tay, ngay lập tức cô ấy cảm thấy nhẹ ở đùi phải. Trở lại kiểm tra, cơ vuông lưng đã được “bật lên” và dùng lực sờ nắn các cơ bị đau ban đầu thì cơn đau đã không còn hoặc chỉ còn 1 chút cảm giác đau nhẹ. Nói cô ấy kiểm tra bước đi. Hông phải không còn khóa và dáng đi đã trở lại bình thường, không còn những cơn đau khó chịu như ban đầu. Cô ấy thốt lên rằng: “That’s amazing”.

Vâng. Cơ thể mình kỳ diệu vậy đó. Mọi phản ứng đều có mối liên hệ với nhau. Nhưng bạn hãy nói cho người trị liệu của bạn những hoạt động liên quan đến các cơn đau để họ có hướng đi phù hợp. Đừng để họ bị bỏ lỡ thông tin nào nhé.

viVI